You are currently viewing Chia sẻ thực tập sinh Điều dưỡng Nhật Bản: “Cơ hội không ngờ tới”

Chia sẻ thực tập sinh Điều dưỡng Nhật Bản: “Cơ hội không ngờ tới”

Cùng gặp gỡ thực tập sinh điều dưỡng Phạm Thị Hạnh, cô gái Nam Định với hành trình chinh phục tiếng Nhật và sang Nhật Bản làm việc như một cơ duyên.

Điều dưỡng Nhật Bản – Cơ hội không ngờ tới

Giữa năm 2017, khi đang chuẩn bị tốt nghiệp trường Đại học Điều dưỡng Nam Định thì cơ hội đi Nhật đến với mình một cách đầy bất ngờ. Đó là năm mà chương trình tuyển người sang Nhật làm việc theo diện thực tập sinh hộ lý bắt đầu “hot” ở Việt Nam, và rất nhiều công ty xuất khẩu lao động ở Hà Nội ùa đi tìm nguồn. Một trong số các trung tâm đó có liên kết với trường mình tổ chức buổi giới thiệu về chương trình thực tập sinh hộ lý, với lời mời chào rất hấp dẫn là ai đi dự sẽ được trợ cấp 200 nghìn/người, còn có xe miễn phí đưa lên tận Hà Nội rồi lại chở về Nam Định nữa.

Cho đến trước thời điểm đi dự buổi giới thiệu này, mình hoàn toàn không mảy may suy nghĩ chút gì về việc đi nước ngoài. Tốt nghiệp một trường đại học bình thường, với học lực cũng chỉ ở mức bình bình, mình vốn định sau khi ra trường sẽ xin việc ở một phòng khám nào đó gần nhà rồi tìm thêm mối bán hàng online mỹ phẩm hay quần áo gì đó để kiếm thêm chút thu nhập. Ngay cả việc quyết định đăng ký lên Hà Nội dự buổi giới thiệu của trung tâm xuất khẩu lao động nọ, cũng chỉ đơn giản là vì mình thấy khoản trợ cấp 200 nghìn cho một ngày được xe đưa đón miễn phí lên Hà Nội chơi quả là hấp dẫn.

Tuy vậy, các cụ vẫn nói “phải duyên phải số thì vồ lấy nhau”, có lẽ mối duyên của mình và nước Nhật đã tới, nên ngày hôm đó, không hiểu thế nào mà mình lại nằm trong danh sách 20 người được chọn (trong tổng số 120 người dự thi) tham gia chương trình. Theo lời giới thiệu của công ty, thì 20 đứa bọn mình sẽ được hỗ trợ tiền ăn ở sinh hoạt và tiền học tiếng Nhật trong thời gian ở Hà Nội, còn tiền phí để bay sang Nhật thì có thể trả lại sau khi đã sang Nhật làm việc. Đối với một đứa mà suốt thời đại học kết quả học lúc nào cũng ở mức trung bình như mình thì việc được nằm trong top 20 này quả là một niềm tự hào lớn. Sau khi thuyết phục được bố mẹ, tháng 8/2017, mình khăn gói từ Nam Định lên Hà Nội và ở trọ lại tại công ty để bắt đầu hành trình học tiếng Nhật chuẩn bị cho việc xuất cảnh.

Những ngày chật vật với tiếng Nhật N4, N3

Tuần đầu mới lên, mình được xếp vào lớp cơ bản nhưng các bạn trong lớp đã nhập học trước đó một tuần nên khi mọi người đã thuộc hết bảng chữ cái và học đến bài 2 của Minna no Nihongo thì mình mới chập chững tập viết những chữ Hiragana đầu tiên. Mình bắt nhịp không được nhanh lắm, lại ở thế phải học đuổi theo mọi người nên thời gian đầu vô cùng chật vật. Sau một tháng trời cặm cụi, mình vẫn chưa học thuộc được bảng chữ Katakana, và kết quả làm bài kiểm tra thì lúc nào cũng ở top đầu của lớp tính từ… dưới lên. Bài kiểm tra ở trung tâm yêu cầu mọi người phải được 80/100 điểm mới được tính là đỗ, thì mình toàn chỉ được có 60 điểm, nên cứ mỗi lần kiểm tra là lại phải ở lại chép phạt từ vựng.

Vốn ban đầu nghĩ chỉ cần đỗ N5 là đủ điều kiện đi Nhật, nên dù kết quả học hành lẹt đẹt gần nhất lớp nhưng mình vẫn cố để được bay. Nhưng học được chừng hơn 6 tháng thì bên trung tâm lại thông báo lại là phía Nhật yêu cầu phải có N4 mới được đi Nhật. Thế là mình đã với lại càng với, lại ngày đêm cày cuốc ôn để vừa đuổi theo các bạn, vừa cố gắng lấy cho được tấm bằng N4 để đủ điều kiện xin visa. Đối với nhiều bạn, có thể kỳ thi N4 không có gì quá khó khăn, nhưng hồi đó mình cũng phải thi tới 3 lần (2 lần thi JLPT, và 1 lần thi Nattest) mới đỗ.

Đỗ N4 rồi nhưng chờ mãi mà bọn mình vẫn chưa bay được vì chính phủ vẫn chưa chính thức duyệt cho thực tập sinh hộ lý sang, thế là bọn mình lại tiếp tục ở lại trung tâm học và chờ đợi. Mục tiêu lần này trung tâm đặt cho bọn mình là thi đỗ N3, nhưng lần này mình cũng lại thi 2 lần mà vẫn trượt.

Hơn 1 năm trời dành thời gian học tiếng Nhật mà mãi vẫn chưa đến ngày bay, ở trung tâm cứ ăn rồi học mãi mà không có việc làm cũng không ổn, nhóm bọn mình rủ nhau xin trung tâm cho bảo lưu để xin ra ngoài đi làm cho thay đổi không khí, đồng thời cũng tranh thủ tích luỹ thêm ít vốn liếng và kinh nghiệm. Công việc bận rộn, động lực học cũng không còn như trước, nên suốt quãng thời gian ra ngoài (từ tháng 10/2018 đến 3/2019), mình xếp sách vở tiếng Nhật vào một góc và chả động gì đến nó trong suốt nửa năm trời.

Nhịn chơi, nhịn ngủ vì tiếng Nhật N2

Đầu tháng 3/2019, sau gần nửa năm chờ đợi, cuối cùng mình cũng nhận được tư cách lưu trú và quay trở lại trung tâm để chờ đến ngày sang Nhật. Bay cùng với mình đợt đó có tổng cộng 12 bạn, thì trong đó có tới 9 bạn đã đỗ N3, chỉ 3 người (trong đó có mình) là vẫn chưa đỗ. Bản thân mình sau gần nửa năm trời bỏ bê học hành, vốn tiếng Nhật còn rụng đi khá nhiều so với thời đỗ N4, nên nhìn mọi người giỏi giang như vậy mình vừa xấu hổ, vừa lo lắng khi nghĩ đến viễn cảnh sẽ bị cho về nước nếu sau một năm làm việc vẫn chưa đỗ được N3.

Quyết tâm biến lo lắng thành hành động, sang Nhật được vài hôm, ổn định được chỗ ở xong là mình bắt đầu lôi sách tiếng Nhật ra để cày. Vốn ban đầu chỉ định thi N3, nhưng sau một hồi mở sách ra nhìn lại, thấy toàn các mẫu ngữ pháp mình đã học đi học lại 2 lần rồi mà giờ lại ôn lại tiếp thì chán quá, thế là mình quyết tâm đặt cho bản thân một mục tiêu táo bạo: bỏ không thi lại N3 nữa mà vừa ôn lại kiến thức đã học trong sách N3, vừa ôn các kiến thứ mới trong sách N2 để thi thẳng N2 vào kỳ tháng 12/2019.

Khu nhà trọ mình ở cách công ty 1 tiếng đi tàu một chiều, nên hàng ngày mình đều tận dụng thời gian di chuyển để tranh thủ học từ mới qua các flash card tự soạn hay list từ mới tổng hợp được qua các bài giảng của thầy. Đang quen ở Việt Nam đi lại di chuyển ít, sang đến Nhật ngày nào cũng phải đi tàu 2 tiếng đồng hồ rồi lại đi bộ từ nhà ra ga, nên những ngày đầu mới đi làm lúc nào mình cũng cảm thấy mệt nhoài. Các bạn cùng phòng mình thường đi làm về là tranh thủ tắm rửa nghỉ ngơi, gọi điện về cho người thân rồi đi nghỉ sớm luôn, nhưng vì quyết tâm phải thi đỗ cho được N2 nên mình không cho phép bản thân như vậy. Ngày nào cũng như ngày nào, mình luôn bố trí 2 khoảng thời gian trống trong ngày để học ngoài 2 tiếng đi lại trên tàu, đó là tầm từ 5 giờ tới 7 giờ sáng trước khi đi làm, và tầm từ 9 giờ tới 10h rưỡi tối trước khi đi ngủ.

Thời gian đầu khi mới học, cuối tuần mình vẫn cho bản thân được ngủ nướng một chút, xem phim, hay đi chơi cùng các bạn tới trưa rồi chiều tối mới ngồi vào bàn học. Nhưng sau một thời gian tự học và làm thử đề N2, thấy có quá nhiều mẫu ngữ pháp và từ mới bản thân chưa từng học qua, mình hoảng quá và nghĩ nếu vẫn cứ giữ nguyên tốc độ như hiện tại thì chắc chắn mình không thể đỗ được. Vậy là sau đó, dù là ngày nghỉ mình cũng chỉ cho phép bản thân được ngủ muộn thêm 1 tiếng, đúng 6 giờ sáng là phải dậy để chuẩn bị ngồi vào bàn học.

Một khó khăn khác mà mình gặp phải trong quá trình ôn N2, đó là vấn đề về sức khoẻ. Công việc hộ lý mình làm yêu cầu thường xuyên phải đỡ các cụ, nhưng do thời gian đầu mới đi làm chưa biết cách bê vác đúng kỹ thuật nên lưng của mình thường xuyên bị đau. Đợt mình mới đi làm rơi đúng vào đầu mùa nắng nóng của Nhật, ngày ngày phải di chuyển xa, đi làm về mệt, nhà chật nên để không ảnh hưởng tới mọi người trong nhà, mình thường phải ngồi bàn thấp ở phòng khách để học, thành ra chứng đau lưng cứ ngày một nặng thêm. Nhiều hôm mình vừa ngồi học vừa phải chèn 2 chiếc gối vào lưng để bớt đau còn tập trung vào học được dài dài.

Một kỷ niệm vui mà mình nhớ mãi, đó là lần đầu tiên được phân công đi làm ca đêm. Ca mình làm là từ 5h30 chiều tới 9h30 sáng hôm sau, tổng cộng dài 16 tiếng, thời gian khá dài, lại nghĩ buổi đêm các cụ ngủ hết, chắc chả có việc gì làm, chỉ ngồi chơi thì phí quá nên mình rất hăng hái vác theo 3 quyển sách ôn N2 đến cơ sở định tranh thủ ngồi học. Nhưng kết quả là cả đêm đó riêng chỉ việc dọn vệ sinh và chạy đi chạy lại thay bỉm cho các cụ là đã hết giờ, chưa kịp mở sách ra thì trời đã sáng. Từ đó trở đi mỗi lần trực ca đêm không bao giờ mình mang sách vào nữa. Thay vào đó, những hôm phải đi trực đêm, mình không tranh thủ ngủ nhiều như mọi người mà vẫn dậy từ 5h sáng, ngồi tranh thủ học gộp một lèo tới 12h trưa rồi sau đó ăn uống, nghỉ ngơi và ngủ một giấc ngắn đến 4h thì dậy đi làm. Nhờ vậy mà việc học ôn của mình không hề bị gián đoạn một ngày nào suốt từ lúc đặt chân tới Nhật.

Một trong những động lực giúp mình duy trì việc học N2 khi đó, là khi thấy các từ mới hay mẫu ngữ pháp mình vừa học trong giáo trình N2 hôm trước xuất hiện trong các cuộc hội thoại với sempai người Nhật ở cơ sở vào hôm sau. Hồi đầu mới sang, do tiếng Nhật còn kém, nên mình gặp rất nhiều khó khăn trong việc nói chuyện với sempai hay các cụ ở cơ sở vì mọi người thường hay dùng thể rút gọn để nói chuyện. Sau khi học N2, biết được nghĩa và cách dùng các mẫu này, mình dần hiểu được những câu mọi người nói hơn và cảm thấy cũng tự tin trong công việc lên ít nhiều.

Sau gần 9 tháng miệt mài ôn luyện, cuối cùng thì ngày thi cũng đến. Dù đã xào đi xào lại giáo trình Mimi kara oboeru tới 3 lần, nhưng vì đề thi năm đó rất khó, nên khi đi thi về mình không hề tự tin là bản thân sẽ đỗ được. Vừa đi thi về, mình đã lấy sách ra ôn lại để chuẩn bị thi lần 2. Nhưng học lại N2 được gần 1 tháng thì mình nhận ra là cuốn sách N2 nào mình cũng đã xào đi xào lại tới 3 lần rồi, giờ lại ngồi học lại từng đó thì cũng nhàm quá, thế là mình bắt đầu lấy sách N1 ra ôn.

Một ngày trước khi chính thức có kết quả N2 trên internet, dù đã cố đi ngủ thật sớm để quên đi cảm giác hồi hộp, đợi chờ, nhưng có lẽ vì háo hức quá nên đồng hồ vừa kịp nhảy qua số 12 báo hiệu ngày mới là mình vớ ngay điện thoại để mở trang web tra kết quả. Tay run run đăng nhập vào trang web, rồi lướt xuống chỗ báo kết quả thấy chữ 合格 (Đỗ) mà mình mừng đến chảy cả nước mắt.

Thi N4 tới lần thứ 3 mới đỗ, N3 cũng 2 lần rồi mà chưa qua, nên khi tự ôn và thi đỗ được N2 chỉ sau 9 tháng đặt chân tới Nhật, mình cảm thấy vô cùng xúc động. Cảm giác như tất cả những cố gắng nhịn chơi, nhịn ngủ, của mình suốt mấy tháng trời cuối cùng cũng được đền đáp. Thừa thắng xông lên, mình quyết định vươn tới mục tiêu tiếp theo: Thi đỗ N1 vào kỳ thi JLPT tổ chức một năm sau đó.

Thẳng tiến tới tiếng Nhật N1

Ngày mới học tiếng Nhật, thấy bản thân lẹt đẹt thi N4 rồi N3 mãi không qua nên mình luôn cảm thấy tự ti về bản thân rất nhiều. Mình đã từng nghĩ với một đứa học cái gì cũng xếp hạng trung bình như thì việc lấy được N2 đã khó chứ chẳng bao giờ mơ tới được N1. Nhưng quãng thời gian 9 tháng học N2 với quyết tâm cao độ đã cho mình thêm rất nhiều tự tin và động lực trong việc học tiếng. Vào thời điểm quyết định thi lên N1, mình mới ở Nhật được gần một năm, nên tính ra mình có tới 4 cơ hội để thi và lấy được tấm bằng N1 trước khi về nước. Xác định được mục tiêu rõ ràng, mình bắt tay vào lập một bản kế hoạch học tập cụ thể chi tiết: hàng ngày mấy giờ ăn; mấy giờ học; mấy giờ gọi điện cho người thân rồi cứ thế cần mẫn thực hiện theo.

Túc tắc tự học một mình được khoảng 4 tháng, thì tới tháng 5/2020, mình vô tình thấy trên Facebook một nhóm các anh chị rủ nhau cùng học chung N1 qua Skype. Nhận thấy nếu mình cứ tiếp tục học một mình thế này thì nhiều vấn đề không hiểu sẽ chẳng biết hỏi ai, hiểu không sâu thì làm bài sẽ không được tốt, nên mình xin các anh chị cho tham gia cùng. Vì ai cũng bận đi học, đi làm nên nhóm bọn mình hẹn nhau dậy sớm để học qua Skype trong khung thời gian từ 5 giờ tới 7 giờ sáng mỗi ngày. Được vài hôm thì các bạn ở cùng phòng mình góp ý là sáng dậy sớm học qua group ồn ào như vậy sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của mọi người, nhưng việc học nhóm đang rất vui và hiệu quả nên mình không muốn bỏ. Thế là hàng sáng, khi mọi người trong nhà đang say giấc thì một mình mình cầm ghế ra trước cửa nhà ngồi hứng sóng Wifi để ôn cùng các anh chị khác. Mình không có máy tính, điện thoại lại dễ sập nguồn, nên hôm nào trước khi đi ngủ mình cũng phải chú ý sạc cả đêm để sáng hôm sau đủ pin ra ngồi cửa học với mọi người. Trời tháng 5 buổi sáng sớm trời vẫn tương đối lạnh, ngày nào ra học mình cũng phải đem theo chăn để quấn quanh người cho đỡ lạnh.

Việc duy trì học nhóm kéo dài được hơn 1 tháng thì bọn mình nhận được tin kỳ thi JLPT tháng 7/2020 bị hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Corona. Các anh chị bàn nhau tới tận tháng 12 mới thi mà ngày nào cũng học như này tiếp thì hơi mệt, nên tạm thời giải tán rồi tháng 9 sẽ tập trung lại để học tiếp. Dù rất tiếc nhưng vì các anh chị đã quyết định như vậy nên mình cũng đành theo, lại tiếp tục quay trở lại chuỗi ngày tự học ôn một mình như trước.

Cũng may là một thời gian sau thì mình lại quen một chị khác cũng đang ôn thi N1 qua Facebook, thế là hai chị em lại rủ nhau học. Chị bảo mình là giờ hai chị em ôn cùng thì bù trừ cho nhau, tính mình chăm chỉ, bền bỉ, nhưng mới học thi N1 lần đầu chưa vững kiến thì phụ trách việc lên kế hoạch học tập cho hai chị em, còn chị đã thi mấy lần, kiến thức ôn đi ôn lại khá nhiều lần rồi, vững hơn nhưng lại mắc bệnh dễ nản thì vào các buổi học sẽ hỗ trợ giảm cho mình các phần kiến thức mà mình chưa rõ. Cứ thế, hai chị em ngày ngày bền bỉ học theo sát kế hoạch mà mình đã đề ra cho tới sát ngày thi.

Lời nhắn nhủ của thực tập sinh Điều dưỡng

Sự bền bỉ của mình trong gần một năm trời cuối cùng cũng được đền đáp. Đầu tháng 2 năm nay, sau gần 2 năm đặt chân sang Nhật, mình chính thức nhận được kết quả thi đỗ N1. Tổng thời gian mình được ở Nhật là 3 năm, nhưng mình đã bỏ lỡ 2 mùa lá đỏ của Nhật chưa thể đi ngắm được vì lần nào mùa lá đỏ cũng rơi vào đúng trước kỳ thi JLPT.

Trong 2 năm qua, mình chỉ đi chơi rất ít, bỏ qua hầu hết các cuộc vui, những buổi đi chơi hay tụ tập ăn uống cùng mọi người, không chia sẻ trạng thái mới nào trên Facebook để tránh bản thân bị phân tâm mà quên đi mục tiêu quan trọng trước mắt. Đó quả là quãng thời gian khó khăn, nhưng thật sự xứng đáng và có ý nghĩa vô cùng.

Từ ngày sang Nhật và xác định được mục tiêu cho bản thân, mỗi khi nản chí hay mệt mỏi, mình đều tự hỏi “Liệu mình đã thực sự nỗ lực hơn người khác chưa?” để tiếp tục cố gắng. Việc phải tạm hy sinh những thú vui hàng ngày của bản thân để dành thời gian cho việc học tập quả thật không hề dễ dàng, nhưng những thành quả có được chắc chắn sẽ giúp chúng ta có một tương lai tốt hơn. Học hành là nấc thang đưa chúng ta chạm tới ước mơ. Suốt thời gian leo lên những bậc thang đó, chúng ta có thể sẽ nản lòng vì đi mãi vẫn không thể thấy được thế giới nằm trên những tầng mây. Nhưng hãy chịu đựng và leo đến tận cùng để thấy một thế giới đẹp đẽ ngoài sức tưởng tượng đang chờ đợi chúng ta, bạn nhé.

Tokyo, tháng 5/2021

——————————————

ĐĂNG KÝ THI TUYỂN TRỰC TIẾP TẠI MINH THANH 

Để lại một bình luận